Danh mục sản phẩm
Hotline:
0932.76.89.20

GIỚI THIỆU VỀ HERPES SIMPLEX VIRUS (HSV) 1 VÀ 2

Đăng lúc: 09-08-2023 07:43:35 AM - Đã xem: 1075

Herpes simplex virus (HSV) loại 1 và loại 2 thường gây nhiễm trùng tái phát ảnh hưởng đến da, miệng, môi, mắt và bộ phận sinh dục. HSV có khả năng lây nhiễm rất cao; vì vậy, nên cần tránh tiếp xúc, hôn, hoặc quan hệ tình dục không an toàn với người bị bệnh để ngăn ngừa lây nhiễm bệnh.

Mục lục

    Herpes Simplex Virus 1 Và 2

    Herpes simplex virus (HSV) có dạng hình cầu với kích thước trung bình là 185 nm. Lớp vỏ của hạt virus được tạo thành bởi lớp lipid kép có gai bên ngoài được cấu tạo từ glycoprotein nên diện tích tổng thể của HSV lên đến 225 nm. Chịu trách nhiệm cho tổng hợp các protein thiết yếu là DNA mạch đôi có kích thước 152 Kbp.

    Virus_HSV

       HSV có 2 tuýp là HSV-1 và HSV-2. Đối với HSV-1, con đường lây truyền chủ yếu là tiếp xúc với mụn nước, nước bọt, bề mặt bên trong hoặc xung quanh miệng. Trước đây, HSV-1 được cho rằng chỉ gây nên mụn rộp ở miệng; tuy nhiên, (mặc dù ít phổ biến hơn) HSV-1 vẫn có thể nhiễm đến bộ phận sinh dục thông qua con đường tiếp xúc giữa miệng với cơ quan sinh dục. Ngoài ra, HSV-1 có thể lây truyền ngay cả khi bề mặt da bình thường, nhưng khả năng truyền nhiễm đạt mức cao nhất khi xuất hiện các mụn nước ở da. Về HSV-2 chủ yếu lây truyền qua đường tình dục. Cũng giống như HSV-1, HSV-2 có khả năng lây truyền từ cơ quan sinh dục sang miệng (hiếm gặp) và có thể lây nhiễm ngay cả khi không có dấu hiệu bệnh. Ngoại trừ các con đường lây truyền trên, HSV cũng có thể lây truyền từ mẹ sang con (hiếm gặp), trong quá trình sinh đẻ và chuyển dạ: trẻ sơ sinh thường nhiễm virus khi sinh qua đường âm đạo (đây là con đường lây nhiễm virus Herpes chủ yếu).

    Do cơ chế lây truyền dễ dàng, nên tỉ lệ người nhiễm HSV-1 và HSV-2 rất cao. Theo ước tính của WHO (World Health Organization), vào năm 2016, có gần 3.7 tỷ người dưới 50 tuổi (67%) mang HSV-1 trong cơ thể. Mụn sinh dục gây ra bởi HSV-2 ảnh hưởng khoảng 491 triệu người (13%) ở độ tuổi từ 15 đến 49 tuổi. Ngoài ra, HSV-2 nhiễm ở nữ cao gấp hai lần so với nam giới bởi vì việc lây truyền hiệu quả hơn từ nam sang nữ [5].

    Triệu Chứng Khi Nhiễm HSV-1 Và HSV-2

       Nhìn chung, khi nhiễm virus Herpes thường không có biểu hiện hoặc triệu chứng nhẹ. Thông thường, HSV-1 và HSV-2 đều ở thể không hoạt động khi ở trong cơ thể người; tuy nhiên, khi gặp điều kiện thuận lợi chúng sẽ tăng sinh và phát triển thành bệnh. Khi phát bệnh, HSV-1 thường gây ra mụn rộp sinh miệng, thường là các vết loét lạnh (mụn nước) quanh miệng; còn HSV-2 chủ yếu gây ra mụn sinh dục.

       Tuy vậy, việc nhiễm HSV cũng có thể gây ra các biến chứng nặng như nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương và nhiễm trùng đa cơ quan. Như viêm não gây ra bởi Herpes Simplex (Herpes Simplex encephalitis- HSE) là nguyên nhân phổ biến gây viêm não tản phát tử vong ở các nước phát triển [1]. Theo một thống kê, tỷ lệ mắc bệnh HSE ở Hoa Kỳ rơi vào 1:250,000 người một năm [2]. Nếu bệnh nhân mắc bệnh HSE không được điều trị, tỷ lệ tử vong lên đến 70% [4]. Đối với trẻ sơ sinh nhiễm HSV không được chữa trị kịp thời thì tỷ lệ tử vong khoảng 80% [3]; cho dù trẻ sơ sinh được điều trị khỏi, vẫn có thể để lại những di chứng nghiêm trọng như: bại não, khuyết tật trí tuệ, động kinh, mất thị lực, thính lực, v.v.

              Vậy bệnh nhân nên xét nghiệm HSV khi:

              + Người bệnh có các triệu chứng của mụn rộp, chẳng hạn như mụn nước hoặc vết loét trên bộ phận sinh dục hoặc bộ phận khác của cơ thể.

              + Bạn tình của người bệnh đã bị nhiễm virus Herpes.

              + Người bệnh đang mang thai và người bệnh hoặc bạn tình của người bệnh đã nhiễm Herpes hoặc có triệu chứng của mụn rộp sinh dục. Nếu thai phụ xét nghiệm dương tính với virus Herpes, trẻ sơ sinh cũng có thể cần xét nghiệm.

    Các Xét Nghiệm Hiện Có Để Phát Hiện HSV-1 Và HSV-2

       Tại Việt Nam, việc xét nghiệm xác định HSV-1 và HSV-2 có nhiều phương thức khác nhau như phương pháp ELISA, xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang trực tiếp, phương pháp nuôi cấy virus trực tiếp, Real-Time PCR (qPCR). Mỗi phương pháp đều có độ nhạy và độ đặc hiệu khác nhau.

       Bên cạnh đó, theo hướng dẫn số 5183/QĐ-BYT của bộ Y Tế: “Về Việc Ban Hành Hướng Dẫn Chẩn Đoán Và Điều Trị Nhiễm Herpes Simplex Sinh Dục” có đề cập ở phần 2.2 Cận Lâm Sàng về những ưu điểm của phương pháp qPCR so với phương pháp nuôi cấy virus trực tiếp như sau: “Xét nghiệm khuếch đại axit nucleic (Nucleic Acid Amplification Tests - NAATs, trong đó có xét nghiệm PCR với HSV-1 và HSV-2): so với nuôi cấy vi rút, xét nghiệm NAATs có độ nhạy cao hơn, bệnh phẩm dễ thu nhập và vận chuyển, cho kết quả nhanh hơn nên ngày càng được ưu tiên hơn.”.

    Phát Hiện HSV-1 Và HSV-2 Bằng Kỹ Thuật qPCR

        Kỹ thuật Real-Time PCR (qPCR) là phương pháp cho phép trực tiếp phát hiện HSV-1 và HSV-2 trong các mẫu. Phương pháp này sử dụng cùng nguyên lý với phương pháp PCR truyền thống. Do đó, đoạn DNA mục tiêu của HSV-1 và HSV-2 được khuếch đại bằng các đoạn mồi đặc hiệu. Đồng thời các sản phẩm PCR được phát hiện nhờ những đầu dò đặc hiệu được gắn chất phát huỳnh quang. Cùng với đó, cường độ tín hiệu huỳnh quang được tích lũy qua các chu kỳ nhiệt và được đọc bởi máy Real-Time PCR ở kênh màu tương ứng.

       Phương pháp qPCR có các ưu điểm vượt trội như thời gian, tính thuận tiện và độ nhạy. Ví dụ như bộ HSV I/II Real TM của hãng Sacace – Ý đạt tiêu chuẩn CE – IVD, dùng kỹ thuật qPCR để phát hiện với đa dạng loại mẫu lâm sàng như máu toàn phần, dịch não tủy, mô, dịch tuyến tiền liệt, tinh dịch, hay các loại mẫu phết như cổ tử cung, niệu đạo, kết mạc. Với bộ HSV I/II Real TM, việc diễn giải kết quả đơn giản, chỉ với hai kênh màu bao gồm: kênh FAM (Green) dành cho HSV I/II, và kênh JOE (Yellow)/HEX/Cy3 cho IC (chứng nội). Bộ kit cho phép phát hiện HSV I/II với độ nhạy là 5*102 GE/ml.

    Tài Liệu Tham Khảo

    1. Danny L. Wiedbrauk, 2010. “Chapter 37: Herpes Simplex Virus”. Molecular Diagnostics: Techniques and Applications for the Clinical Laboratory,  Academic Press, pp. 453- 460. DOI: 10.1016/B978-0-12-369428-7.00037-9.
    2. David W. Kimberlin, và đồng sự, 2006. Diagnosis Of Herpes Simplex Virus In The Era Of Polymerase Chain Reaction. Concise Review of Pediatric Infectious Diseases, Vol 24, No 9, pp: 841- 842. DOI: 10.1097/01.inf.0000234070.86385.b6.
    3. David W, Kimberlin, và động sự, 2006. Herpes Simplex Virus, Meningitis, And Encephalitis In Neonates. Herpes.11, pp 65A- 76A.
    4. Richard J. Whitley, và các đồng sự, 1977. Adenine Arabinoside Therapy Of Biopsy-Proved Herpes Simplex Encephalitis. The new England Journal of Medicine, Vol 297, No 6, pp 289- 294. DOI: 10.1056/NEJM197708112970601
    5. World Health Organization, 2023. Herpes simplex virus. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/herpes-simplex-virus

     

    Hotline
    Hotline
    CÔNG TY TNHH THIẾT BỊ KHKT VIỆT HUY