Danh mục sản phẩm
Hotline:

PAX1/JAM3 METHYLATION (CISCER) – XU HƯỚNG MỚI TRONG SÀNG LỌC UNG THƯ CỔ TỬ CUNG

Đăng lúc: 03-04-2025 04:23:25 PM - Đã xem: 31

Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là một vấn đề y tế quan trọng ảnh hướng đến sức khoẻ phụ nữ trên toàn cầu. Mặc dù các chương trình sàng lọc UTCTC đã gặt hái nhiều tiến bộ, nhưng những hạn chế hiện tại khiến việc chỉ định soi cổ tử cung trở nên quá mức, trong khi một số trường hợp nguy cơ cao lại bị bỏ sót. Trong bài viết này, Việt Huy sẽ phân tích những thách thức trong sàng lọc UTCTC hiện nay và tiềm năng của xét nghiệm real-time PCR phát hiện PAX1/JAM3 methylation (CISCER).

Mục lục

    THÁCH THỨC TRONG SÀNG LỌC UNG THƯ CỔ TỬ CUNG

    Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO, 2021), hiện nay có 3 hướng tiếp cận sàng lọc UTCTC: quan sát trực tiếp, xét nghiệm tế bào học, và xét nghiệm sinh học phân tử (Hình 1) [5].

    Ba hướng tiếp cận trong sàng lọc UTCTC ở hiện tại (a) và tương lai (b) (đang đánh giá)

    Hình 1: Ba hướng tiếp cận trong sàng lọc UTCTC ở hiện tại (a) và tương lai (b) (đang đánh giá)

    Trong đó, xét nghiệm HPV DNA đang được WHO khuyến cáo sử dụng như một xét nghiệm sàng lọc tiên quyết (primary screening test). Tuy nhiên, phương pháp này vẫn có một vài hạn chế:

    • - Vẫn tồn tại các trường hợp UTCTC âm tính với HPV.
    • - Phần lớn các ca dương tính HPV có mức tổn thương CIN2⁻ (chưa cần điều trị).
    • - Mô bệnh học vẫn là tiêu chuẩn vàng để nhận định tình trạng CIN1, CIN2, CIN3, ung thư.

    Vì vậy, cần một xét nghiệm sàng lọc bổ trợ (triage test) để làm giảm số ca được chỉ định soi cổ tử cung, tránh tạo tâm lý hoang mang không cần thiết cho bệnh nhân. Các xét nghiệm triage phổ biến hiện nay bao gồm xét nghiệm tế bào học (PAP smear, LBC, nhuộm kép p16/Ki-67) hoặc quan sát trực tiếp (VIA, VILI).

    Dù vậy, hiện tại vẫn chưa có xét nghiệm triage nào có thể phân biệt hiệu quả 2 tình trạng CIN2⁻ (bình thường, CIN1) và CIN2⁺ (CIN2, CIN3, ung thư).

    TIỀM NĂNG CỦA XÉT NGHIỆM PAX1/JAM3 METHYLATION

    Trước những thách thức kể trên, nhu cầu về một xét nghiệm sàng lọc UTCTC có thể phân biệt hiệu quả 2 nhóm tổn thương CIN2⁻ và CIN2⁺ là cực kỳ cần thiết và PAX1/JAM3 methylation chính là một phương pháp như vậy.

    Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra xét nghiệm PAX1/JAM3 methylation (CISCER) của hãng Cispoly có thể phát hiện các ca tổn thương CIN2⁺ và CIN3⁺ với độ nhạy và độ đặc hiệu cao.

    Nghiên Cứu Của Fei Và Cộng Sự (2024)

    334 phụ nữ dương tính HPV 16/18 được xét nghiệm mô bệnh học, sau đó kiểm tra lại bằng PAX1/JAM3 Methylation (CISCER) và tế bào học.

    Kết quả cho thấy chỉ khoảng 30% số phụ nữ dương tính HPV 16/18 (100/334) có mức độ tổn thương CIN2⁺. Và xét nghiệm CISCER có thể phát hiện tổn thương CIN2⁺ với độ nhạy và độ đặc hiệu lần lượt là 89.0% và 95.3%; và đối với CIN3⁺ là 98.1% và 82.9%.

    Kết quả xét nghiệm CISCER và mô bệnh học của Fei và cộng sự (2024).

    Hình 2: Kết quả xét nghiệm CISCER và mô bệnh học của Fei và cộng sự (2024).

    Nghiên Cứu Của Liang Và Cộng Sự (2024)

    436 tình nguyện viên trải qua 4 xét nghiệm hrHPV (14 type), mô bệnh học, tế bào học và PAX1/JAM3 Methylation (CISCER).

    Kết quả phân tích cho thấy có 6 trường hợp âm tính HPV nhưng mức độ tổn thương CIN2⁺, và ở các ca dương tính HPV thì chỉ khoảng 24% số ca (94/396) có mức độ tổn thương CIN2⁺.

    Kết quả xét nghiệm HPV và mô bệnh học của Liang và cộng sự (2024).

    Hình 3: Kết quả xét nghiệm HPV và mô bệnh học của Liang và cộng sự (2024).

    Và xét nghiệm CISCER có thể phát hiện tổn thương CIN2⁺ với độ nhạy 92.6% và độ đặc hiệu 95.7%.

    Kết quả đánh giá độ nhạy (A) và độ đặc hiệu (B) của CISCER trên các tổn thương CIN2⁺.

    Hình 4: Kết quả đánh giá độ nhạy (A) và độ đặc hiệu (B) của CISCER trên các tổn thương CIN2⁺.

    Nghiên Cứu Của Chen Và Cộng Sự (2024)

    322 phụ nữ có kết quả tế bào học là tế bào vảy không điển hình chưa xác định ý nghĩa (ASC-US) được xét nghiệm mô bệnh học, hrHPV (14 type) và PAX1/JAM3 Methylation (CISCER).

    Kết quả cho thấy xét nghiệm CISCER có thể phát hiện tổn thương CIN2⁺ với độ nhạy 83.8% và độ đặc hiệu 95.8% (Hình 5). Và việc sử dụng CISCER triage cho các ca có kết quả tế bào học ASC-US giúp giảm tỷ lệ chỉ định soi cổ tử cung đến 79.5% so với sử dụng hrHPV triage.

    Kết quả xét nghiệm mô bệnh học và CISCER của Chen và cộng sự (2024).

    Hình 5: Kết quả xét nghiệm mô bệnh học và CISCER của Chen và cộng sự (2024).

    Nghiên Cứu Của Chen Và Cộng Sự (2024)

    1851 phụ nữ nhiễm hrHPV (31, 33, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58, 59, 66, và 68) không phải HPV 16/18 được xét nghiệm mô bệnh học, tế bào học và PAX1/JAM3 Methylation (CISCER).

    Kết quả cho thấy xét nghiệm CISCER có thể phát hiện tổn thương CIN3⁺ với độ nhạy 84.8% và độ đặc hiệu 88.5%. Và việc sử dụng CISCER triage các ca nhiễm hrHPV không phải HPV 16/18 giúp giảm tỷ lệ chỉ định soi tử cung đến 57.21% so với triage tế bào học.

    CHIẾN LƯỢC CHO XÉT NGHIỆM PAX1/JAM3 METHYLATION

    Hiện tại, xét nghiệm PAX1/JAM3 Methylation (CISCER) đã được chấp thuận sử dụng trong sàng lọc UTCTC tại Trung Quốc. Ở các quốc gia khác vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể cho xét nghiệm này.

    Tuy nhiên với các kết quả nghiên cứu khả quan, WHO vẫn đang xem xét và giới thiệu phương pháp DNA Methylation như một xét nghiệm sàng lọc UTCTC của tương lai.

    Dưới đây là một số ý tưởng kết hợp CISCER với các phương pháp sàng lọc UTCTC truyền thống nhằm phân loại bệnh nhân tốt hơn, hạn chế chỉ định soi cổ tử cung quá mức:

    Kết Hợp CISCER Và HPV

    • - Xét nghiệm đồng thời CISCER-HPV.
    • - CISCER triage: Các ca nhiễm hrHPV không phải HPV 16/18.

    Kết Hợp CISCER Và Tế Bào Học

    • - Xét nghiệm đồng thời CISCER-tế bào học.
    • - CISCER triage: Các ca tế bào học ASC-US.

    TỔNG KẾT

    Xét nghiệm PAX1/JAM3 Methylation (CISCER) đang nổi lên như một xét nghiệm tiềm năng trong sàng lọc ung thư cổ tử cung. Với độ nhạy và độ đặc hiệu cao, CISCER giúp xác định chính xác các tổn thương CIN2⁺, hỗ trợ phân loại bệnh nhân hiệu quả hơn so với xét nghiệm tế bào học hoặc HPV đơn thuần. Việc kết hợp CISCER với các phương pháp sàng lọc hiện tại không chỉ cải thiện độ chính xác chẩn đoán mà còn giảm tỷ lệ chỉ định soi cổ tử cung không cần thiết, tối ưu hoá quy trình sàng lọc và giảm gánh nặng tâm lý cho bệnh nhân.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. 1. Chen, X., et al. (2024). Cervical cancer screening: efficacy of PAX1 and JAM3 methylation assay in the triage of atypical squamous cell of undetermined significance (ASC-US). BMC cancer, 24(1), 1-10.
    2. 2. Chen, X., et al. (2024). Triage performance of PAX1 m/JAM3 m in opportunistic cervical cancer screening of non‒16/18 human papillomavirus-positive women: a multicenter prospective study in China. Clinical Epigenetics, 16(1), 108.
    3. 3. Fei, J., et al. (2024). Evaluating PAX1/JAM3 methylation for triage in HPV 16/18-infected women. Clinical Epigenetics, 16(1), 190.
    4. Liang, H., et al. (2024). Assessment of PAX1 and JAM3 methylation triage efficacy across HPV genotypes and age groups in high-risk HPV-positive women in China. Frontiers in Oncology, 14, 1481626.
    5. 5. World Health Organization. (2021). WHO guideline for screening and treatment of cervical pre-cancer lesions for cervical cancer prevention, 2nd edition. World Health Organization.