Danh mục sản phẩm
Hotline:
0932.76.89.20

NHIỄM CANDIDA XÂM LẤN VÀ GIẢI PHÁP REALQUALITY CANDIDA PLUS

Đăng lúc: 14-11-2024 02:52:17 PM - Đã xem: 87

Nhiễm Candida xâm lấn là một vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Bài viết này cung cấp cái nhìn tổng quan về nấm Candida, cơ chế lây nhiễm, các phương pháp chẩn đoán hiện tại và giải pháp điều trị hiệu quả bằng bộ kit REALQUALITY CANDIDA PLUS.

 

Mục lục

    NẤM CANDIDA LÀ GÌ?

    Nấm Candida là một chi (genus) nấm men thường sống hội sinh trên người, chúng được tìm thấy ở da và niêm mạc khoang miệng, đường tiêu hóa và đường niệu sinh dục. Có khoảng >200 loài nấm Candida, trong đó chỉ khoảng 10% có khả năng gây bệnh cho con người.

    Nấm Candida sống hội sinh ở mức thấp trên da và đường ruột của 50-70% người khoẻ mạnh. Trong một số tình huống, nấm Candida tăng sinh quá mức dẫn đến bệnh lý. Các bệnh do nấm Candida thường được phân loại theo vị trí phát hiện:

    • - Viêm âm đạo do nấm Candida
    • - Viêm da do nấm Candida (nách, vú, quanh bẹn)
    • - Tưa miệng do nhiễm nấm Candida ở miệng
    • - Nấm móng tay, móng chân do Candida
    • - Nhiễm Candida xâm lấn (invasive candidiasis)

    NHIỄM CANDIDA XÂM LẤN LÀ GÌ?

    Nhiễm Candida xâm lấn (invasive candidiasis) là khi nấm Candida di chuyển từ đường ruột vào máu và các bộ phận vô trùng khác trong cơ thể.

    Nhiễm trùng máu do Candida (candidaemia) có thể tiến triển thành nhiễm nấm thứ cấp ở các cơ quan sâu (deep-seated candidiasis) như phổi, gan, tim, mắt, não, xương, …

    C. albicansC. glabrataC. kruseiC. tropicalis, và C. parapsilosis là 5 loài gây bệnh phổ biến nhất, gây ra 90% số ca nhiễm Candida xâm lấn. Trong đó, C. albicans là loài phổ biến nhất, chiếm hơn 50% số ca nhiễm. Gần đây có thêm C. auris là một tác nhân mới nổi, gây nhiễm Candida xâm lấn trên toàn thế giới (Hình 1) ⁴.

    Tỷ lệ các loài nấm Candida gây bệnh tại ba khoảng thời gian khác nhau của Liên đoàn Y học Nấm Châu Âu

     Hình 1: Tỷ lệ các loài nấm Candida gây bệnh tại ba khoảng thời gian khác nhau của Liên đoàn Y học Nấm Châu Âu ³.

     

    NHIỄM CANDIDA XÂM LẤN – VẤN ĐỀ ĐÁNG LO NGẠI

    Trên thế giới, mỗi năm có khoảng 750,000 ca nhiễm Candida xâm lấn, tỷ lệ nhiễm 3-5 ca trên 100 ngàn người. Trong đó, hơn 70% số ca đến từ các khoa hồi sức tích cực (ICU) (60%), khoa ung thư và khoa ghép tạng (13%). Nấm Candida gây ra 17% số ca nhiễm trùng ICU ở các bệnh nhân có kết quả cấy máu dương tính ⁸.

    Tại Việt Nam, chưa có nhiều thông tin về nhiễm Candida xâm lấn. Một nghiên cứu ước tính tỷ lệ nhiễm trùng máu do Candida là 12 ca trên 100 ngàn người trong năm 2020, khá cao so với tỷ lệ nhiễm trên thế giới ⁷. Hiện nay, các ca nhiễm C. auris đầu tiên cũng đã được ghi nhận tại bệnh viện Chợ Rẫy ⁶.

    Do tỷ lệ tử vong cao (40-55%) và triệu chứng lâm sàng không điển hình, việc chẩn đoán phát hiện nhiễm Candida xâm lấn luôn cần được quan tâm.

    MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP CHẨN ĐOÁN HIỆN NAY

    Phương Pháp Nuôi Cấy

    Nuôi cấy vẫn được xem là tiêu chuẩn vàng (gold standard) trong chẩn đoán nhiễm Candida xâm lấn, đặc biệt là nhiễm trùng máu do candida. Nuôi cấy có thể cho kết quả dương tính với các mẫu từ 1 CFU/mL. Tuy nhiên, có 2 trở ngại lớn trong nuôi cấy:

    • - Hiệu quả thấp: Cấy máu phân lập thành công trên chỉ 21-71% bệnh nhân nhiễm Candida. Đặc biệt là các trường hợp nhiễm sâu (deep-seated).
    • - Thời gian trả kết quả dài từ 2-4 ngày, đôi khi kéo dài đến 8 ngày.

    Để khắc phục vấn đề về độ nhạy thấp, xét nghiệm cấy máu cần được thực hiện thường xuyên và sử dụng thể tích máu đủ lớn.

    Dù còn nhiều khó khăn, nuôi cấy vẫn sẽ là một phương pháp quan trọng trong nhiều năm nữa vì phương pháp này cho phép thực hiện xét nghiệm định danh và kháng sinh đồ ở phía sau.

    Phương Pháp Miễn Dịch

    Các phương pháp miễn dịch thường dựa trên phát hiện kháng nguyên hoặc kháng thể trong huyết thanh người bệnh. Kháng nguyên mục tiêu thường là thành phần của vách tế bào như mannan hoặc β-D-Glucan.

    Do các kháng nguyên như β-D-Glucan không hiện diện ở người hay vi khuẩn, xét nghiệm β-D-Glucan có giá trị tiên đoán âm tính cao, giúp loại trừ nhanh các ca không phải nhiễm Candida xâm lấn. Dù vậy, xét nghiệm β-D-Glucan không giúp loại trừ các ca nhiễm nấm khác như Aspergillus spp. hay Pneumocystis jirovecii.

    Phương Pháp Khuếch Đại PCR

    Xét nghiệm PCR thuộc nhóm phương pháp không dựa trên nuôi cấy, vì vậy nó cho phép phát hiện nhanh chóng nhiễm Candida xâm lấn, vốn là một nguyên nhân gây sốc nhiễm trùng (sepsis). Theo một nghiên cứu cho thấy độ nhạy và độ đặc hiệu đều trên 90% khi thực hiện PCR trên mẫu máu toàn phần ⁷.

    Một số giải pháp xét nghiệm nhiễm Candida xâm lấn ngày nay còn cho phép định danh các loài quan trọng, bao gồm: C. albicansC. glabrataC. kruseiC. tropicalis, và C. parapsilosis và C. auris. Điều này cho phép lựa chọn thuốc chính xác hơn, đặc biệt là cho các loài thường đa kháng như C. glabrata hay C. auris.

    Tuy nhiên, nhiễm Candida xâm lấn không chỉ dừng lại ở nhiễm trùng máu do Candida, mà còn nhiễm sâu (deep-seated). Hiện chưa rõ rằng liệu xét nghiệm mẫu máu toàn phần có giúp phát hiện được DNA tự do của Candida ở các ca nhiễm sâu (deep-seated) nhưng không nhiễm trùng máu hay không. Đây là một rào cản khiến PCR chưa được chấp thuận rộng rãi ⁹.

    KẾT HỢP CÁC PHƯƠNG PHÁP CHẨN ĐOÁN TRONG ĐIỀU TRỊ

    Hiện nay, thuốc điều trị nhiễm Candida gồm 3 nhóm chính: polyene, azole, và echinocandin. Ngoài ra, flucytosine được dùng để điều trị bổ sung cho các trường hợp nhiễm Candida thần kinh trung ương và viêm nội tâm mạc do nấm Candida.

    Để điều trị hiệu quả, kết quả định danh và làm kháng sinh đồ là cực kỳ cần thiết. Tuy nhiên, để có kết quả từ phương pháp nuôi cấy thường mất rất nhiều thời gian (2-4 ngày), mà việc điều trị là không thể chậm trễ.

    Vì vậy trong thực tế, cần có sự tham gia của các yếu tố khác, bao gồm thang điểm tiên đoán (Candida score) và các xét nghiệm không nuôi cấy như β-D-Glucan hay PCR được sử dụng để cung cấp thông tin hỗ trợ quyết định phác đồ điều trị phù hợp (Hình 2).

    Hình 2: Phác đồ điều trị bệnh nhân từ nghi ngờ cho đến xác nhận nhiễm Candida xâm lấn ³.

    GIẢI PHÁP REALQUALITY CANDIDA PLUS

    REALQUALITY CANDIDA PLUS

    REALQUALITY CANDIDA PLUS là bộ kit real-time PCR của AB ANALITICA (Ý) cho phép nhanh chóng phát hiện và phân biệt 6 loài gây nhiễm Candida xâm lấn phổ biến nhất, bao gồm: C. albicans, C. glabrata, C. krusei, C. tropicalis, C. parapsilosis  C. auris.

    REALQUALITY CANDIDA PLUS đã được thẩm định trên 10 loại mẫu khác nhau: que phết cổ tử cung-âm đạo, que phết niệu đạo, máu trong EDTA, huyết thanh, huyết tương, máu nuôi cấy, que phết trực tràng, phân, que phết da ở vùng nách, que phết da ở vùng bẹn. Nhờ đó, bộ kit phù hợp trong xét nghiệm nhiều loại bệnh lý khác nhau liên quan nấm Candida.

    Một số ưu điểm khác của bộ kit:

    • - Hệ thống dUTP/UNG trong master mix, giúp khử nhiễm sản phẩm PCR tồn dư từ các lần chạy PCR trước, đồng thời giúp việc khắc phục sự cố nhiễm phòng PCR dễ dàng hơn.
    • - Có phiên bản tự động hoá trên hệ thống GENEQUALITY 120 (AB analitica, Ý)
    • - Phần mềm hỗ trợ phân tích kết quả AB Genius Report 3 giúp tiết kiệm thời gian phân tích.

    Tóm lại, một số đặc điểm nổi bật của bộ kit:

    đặc điểm nổi bật của bộ kit

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. 1. AB ANALITICA. (2024). REALQUALITY Candida Plus brochure. Retrieved from https://www.abanalitica.com/en/prodotto/realquality-candida-plus-en/.
    2. 2. AB ANALITICA. (2023). REALQUALITY Candida Plus user manual (Code RQ-174). Retrieved from https://www.abanalitica.com.
    3. 3. Bays, D. J., Jenkins, E. N., Lyman, M., Chiller, T., Strong, N., Ostrosky-Zeichner, L., ... & Thompson III, G. R. (2024). Epidemiology of Invasive Candidiasis. Clinical Epidemiology, 549-566.
    4. 4. Barantsevich, N., & Barantsevich, E. (2022). Diagnosis and treatment of invasive candidiasis. Antibiotics, 11(6), 718.
    5. 5. Ben-Ami, R. (2018). Treatment of invasive candidiasis: A narrative review. Journal of Fungi, 4(3), 97.
    6. 6. Dang-Vu, T., Lam-Quoc, D., Duong-Minh, N., Vu, H., Nguyen-Ho, L., Truong-Thien, P., & Nguyen-Dang, K. (2024). The first report of Candida auris infection in Vietnam. European journal of case reports in internal medicine, 11(3).
    7. 7. Duong, T. M. N., Le, M. H., Beardsley, J., Denning, D. W., Le, N. H., & Nguyen, B. N. T. (2023). Updated estimation of the burden of fungal disease in Vietnam. Mycoses, 66(4), 346-353.
    8. 8. Soriano, A., Honore, P. M., Puerta-Alcalde, P., Garcia-Vidal, C., Pagotto, A., Gonçalves-Bradley, D. C., & Verweij, P. E. (2023). Invasive candidiasis: current clinical challenges and unmet needs in adult populations. Journal of Antimicrobial Chemotherapy, 78(7), 1569-1585.
    9. 9. White, P. L., Price, J. S., Cordey, A., & Backx, M. (2021). Molecular diagnosis of yeast infections. Current Fungal Infection Reports, 15(3), 67-80.
     
    Hotline
    Hotline
    CÔNG TY TNHH THIẾT BỊ KHKT VIỆT HUY