Danh mục sản phẩm
Hotline:
0932.76.89.20

Giới Thiệu Mycoplasma pneumoniae và Chlamydophila pneumoniae

Đăng lúc: 09-08-2023 07:50:15 AM - Đã xem: 1159

Mycoplasma pneumoniaeChlamydophila pneumoniae là một trong hai tác nhân chính gây bệnh viêm phổi không điển hình cộng đồng, đa số gặp phải ở trẻ nhỏ. Hai chủng khuẩn này có đường lây nhiễm chính yếu qua các giọt bắn khi người nhiễm bệnh hắt hơi hoặc ho. Vì vậy, chúng có thể dễ dàng lây truyền cho người khỏe mạnh ở các môi trường tập thể ...

Mục lục

    Tổng Quan Về Vi Khuẩn Mycoplasma pneumoniae  và Chlamydophila pneumoniae:

    Vi Khuẩn Mycoplasma pneumoniae:

    Mycoplasma thuộc lớp Mollicutes là vi khuẩn có kích thước nhỏ nhất (0,15- 0,3 µm) có thể sống độc lập trong tự nhiên. Có hơn 120 loài Mycoplasma, nhưng chỉ có 13 loài được phân lập từ người, và có 4 loài trong số đó được biết đến khả năng gây bệnh cho con người. Sự khác biệt rõ rệt nhất của Mycoplasma với các vi khuẩn khác là không có cấu trúc thành tế bào; Do đó, loại vi khuẩn này không bị ảnh hưởng bởi kháng sinh beta- lactam. Mycoplasma pneumoniae có ái tính với niêm mạc đường hô hấp nên thường trú ngụ ở đây dưới dạng cộng sinh không gây bệnh. Tuy nhiên, khi có điều kiện thuận lợi, chúng sẽ phát triển và gây bệnh.

    Hình ảnh minh họa Vi Khuẩn Mycoplasma pneumoniae

     

    Vi Khuẩn Chlamydophila pneumoniae :

    Khuẩn Chlamydophila (hay còn gọi là Chlamydiapneumoniae thuộc chi Chlamydia, là vi khuẩn sống nội sinh bắt buộc vì chúng cần sử dụng adenosine triphosphate (ATP) của tế bào chủ để sinh trưởng và phát triển.

    Chlamydia pneumoniae là vi khuẩn gram âm có kích thước nhỏ từ 0,2- 1 µm.

    Hình ảnh minh họa vi khuẩn Chlamydia pneumoniae

    Bệnh Viêm Phổi Gây Ra Bởi Mycoplasma pneumoniae Và Chlamydia pneumoniae :

    Bệnh Viêm Phổi Gây Ra Bởi Mycoplasma pneumoniae 

    Mycoplasma pneumoniae là nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm phổi không điển hình cộng đồng ở người lớn dưới 40 tuổi (15- 20% trên tổng số ca viêm phổi)5 và trẻ em trên 5 tuổi (lên tới 40% ở trẻ em và chiếm tới 18% ca nhập viện điều trị)7. Thời gian ủ bệnh thường từ hai đến ba tuần, sau thời gian đó, theo CDC Hoa Kỳ thì bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng sau:

    • Đối với người trưởng thành và trẻ em trên 5 tuổi: triệu chứng phổ biến nhất là viêm khí- phế quản, ngoài ra còn có đau họng, cảm thấy mệt, sốt, ho dai dẳng kéo dài từ hàng tuần đến hàng tháng.

    • Đối với trẻ dưới 5 tuổi có triệu chứng khác với trẻ ở độ tuổi lớn hơn và người lớn: hắt hơi, nghẹt hoặc sổ mũi, đau họng, chảy nước mắt, nôn mửa, tiêu chảy.

    • Triệu chứng gây viêm phổi phổ biến là nóng lạnh, ho, cảm thấy mệt mỏi, hụt hơi.

    Mặc dù, nhiễm Mycoplasma pneumoniae không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nó có thể gây nên tình trạng nặng, đặc biệt là đối với trẻ em và người già như: hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), tràn dịch màng phổi (Pleural effusion)- chiếm khoảng 20-25% bệnh nhân bị viêm phổi bởi Mycoplasma pneumoniae1, áp xe phổi,

    Bệnh Viêm Phổi Gây Ra Bởi Chlamydia pneumoniae

    Khoảng 70% trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp gây ra bởi Chlamydia pneumoniae không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, nhưng khoảng 30% còn lại thì gây ra bệnh nhiễm khuẩn cộng đồng (CAP) với triệu chứng không điển hình, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới, viêm phế quản. Chlamydia pneumoniae là một trong tác nhân chính liên quan đến bệnh nhiễm khuẩn cộng đồng (chiếm từ 6- 20% các ca CAP).2 Khuẩn Chlamydia pneumoniae không những liên quan đến các bệnh đường hô hấp mà còn liên quan đến một số các bệnh khác như hen suyễn, hay các rối loạn thần kinh như bệnh Alzheimer,…

    Không thể phân biệt các triệu chứng lâm sàng của bệnh viêm phổi gây ra bởi Chlamydia pneumoniae và Mycoplasma pneumoniae bởi vì chúng tương tự nhau.3 Do vậy, để phát hiện bệnh gây ra bởi Chlamydia pneumoniae hoặc bởi Mycoplasma pneumoniae cần phải thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng. Theo một nghiên cứu dựa trên xét nghiệm kháng thể thì có tới 50% người ở độ tuổi 20 cho kết quả dương tính và đến 80% người ở độ tuổi từ 60 đến 70 cho kết quả dương tính4, và thông thường người bị nhiễm không có bất cứ triệu chứng nào, và một người có thể nhiễm và tái nhiễm trong suốt đời của họ. Ngoài ra, kết quả cũng cho thấy rằng ở độ tuổi trên 15 có tỉ lệ nam giới nhiễm cao hơn nữ giới; tuy nhiên, độ tuổi dưới 15 thì tỉ lệ nhiễm ở cả hai giới là như nhau.6

    ® Hai chủng khuẩn Mycoplasma pneumoniae và Chlamydia pneumoniae thông thường không gây ra các bệnh nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân; tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh (đặc biệt với trẻ nhỏ, người lớn tuổi và bệnh nhân suy giảm miễn dịch) và có thể lây lan rộng ra cộng đồng. Vì vậy nên đi khám bệnh ngay khi có những triệu chứng bất thường tại các cơ sở y tế uy tín.

    Các Xét Nghiệm Hiện Có Để Phát Hiện Mycoplasma pneumoniae Và Chlamydia pneumoniae :

    Tại Việt Nam, việc xét nghiệm xác định Mycoplasma pneumoniae và Chlamydia pneumoniae có nhiều phương thức khác nhau như test bổ thể cố định (complement fixation test- CF test), phương pháp ELISA, phương pháp nuôi cấy vi khuẩn trực tiếp, Real- time PCR (qPCR). Mỗi phương pháp đều có độ nhạy và độ đặc hiệu khác nhau.

    Phát Hiện Mycoplasma pneumoniae Và Chlamydia pneumoniae Bằng Kỹ Thuật qPCR:

    Phương pháp phát hiện sử dụng kỹ thuật Real- time PCR (qPCR) là phương pháp cho phép trực tiếp phát hiện Mycoplasma pneumoniae và Chlamydia pneumoniae trong các mẫu. Phương pháp này sử dụng cùng nguyên lý với phương pháp PCR truyền thống. Do đó, đoạn DNA mục tiêu của Mycoplasma pneumoniae và Chlamydia pneumoniae được khuếch đại bằng các đoạn mồi đặc hiệu. Đồng thời các sản phẩm PCR được phát hiện nhờ những đầu dò đặc hiệu được gắn chất phát huỳnh quang. Cùng với đó, cường độ tín hiệu huỳnh quang được tích lũy qua các chu kỳ nhiệt và được đọc bởi máy Real- time PCR ở kênh màu tương ứng.

    Phương pháp qPCR có các ưu điểm vượt trội như thời gian, tính thuận tiện và độ nhạy. Ví dụ như bộ kit Mycoplasma pneumoniae/ Chlamydophila pneumoniae Real- TM của hãng Sacace – Ý đạt tiêu chuẩn CE – IVD, dùng kỹ thuật qPCR đa mồi cho phép phát hiện sự hiện diện của Mycoplasma pneumoniae và Chlamydia pneumoniae trong một lần chạy với đa dạng loại mẫu lâm sàng như mẫu máu toàn phần, mẫu xét nghiệm tử thi (mô), mẫu dịch rửa hầu họng, dịch mẫu đờm- khí quản, mẫu phết. Với bộ Mycoplasma pneumoniae/ Chlamydophila pneumoniae Real- TM, việc diễn giải kết quả đơn giản, chỉ với ba kênh màu bao gồm: kênh FAM (Green) dành cho Mycoplasma pneumoniae, Kênh ROX (Orange) cho Chlamydia pneumoniae, và cuối cùng là kênh JOE (Yellow)/HEX/Cy3 cho IC (DNA chứng nội). Bộ kit cho phép phát hiện Mycoplasma pneumoniae và Chlamydia pneumoniae với độ nhạy là 5*102 GE/ml.

    Tài Liệu Tham Khảo:

    1. Chang Ho Kim, cùng các cộng sự. (2022). Mycoplasma pneumoniae Pleural Effusion in Adults. J Clin Med, 11: 1281. DOI: 10.3390/jcm11051281.
    2. Hammerschlag MR. (2000). Chlamydia pneumoniae and the lung. ERS journal, 16: 1001- 1007. DOI: 10.1183/09031936.00.16510010.
    3. Hà Thị Thanh Vân, và các cộng sự. (2021). Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng viêm phổi nhiễm chlamydia pneumoniae và mycoplasma pneumoniae ở trẻ em tại bệnh viện nhi trung ương. Tạp chí Y Học Việt Nam, 506: 233-237.
    4. Porritt RA, và cùng cộng sự. (2016). Chlamydia pneumoniae Infection and Inflammatory Diseases. For Immunopathol Dis Therap, 7(3-4):237-254. DOI: 10.1615/ForumImmunDisTher.2017020161.
    5. Rebecca J.Brown, và cùng cộng sự. (2016). Mycoplasma pneumoniae Epidemiology in England and Wales: A National Perspective. Front Microbiol, 7:157. DOI: 10.3389/fmicb.2016.00157.
    6. Theunissen HJ, và cùng cộng sự. (1993). Influence of temperature and relative humidity on the survival of Chlamydia pneumoniae in aerosols. Appl Environ Microbiol, 59(8), 2589-93. DOI: 10.1128/aem.59.8.2589-2593.1993
    7. Waites K, cùng cộng sự. (2004). Mycoplasma pneumoniae and Its Role as a Human Pathogen. Clinical Microbiology Review, 17(4): 697- 728. DOI: 10.1128/CMR.17.4.697-728.2004.

    Hotline
    Hotline
    CÔNG TY TNHH THIẾT BỊ KHKT VIỆT HUY