Danh mục sản phẩm
Hotline:
0932.76.89.20

BỘ XÉT NGHIỆM ENTEROVIRUS 71-TYPE REAL-TM (EV71)

Đăng lúc: 09-08-2023 07:53:43 AM - Đã xem: 167

Bộ xét nghiệm IVD phát hiện Enterovirus 71-type (EV71), tác nhân gây bệnh tay chân miệng bằng kỹ thuật Real-time PCR.

Mục lục

    TỔNG QUAN VỀ ENTEROVIRUS 71:

    Enterovirus 71 (EV71) được phân lập lần đầu tiên vào năm 1965, và được phát hiện lần đầu tại Hoa Kỳ vào năm 1969. Enterovirus 71 cũng được biết đến với tên gọi là Enterovirus A71, là virus thuộc chi Enterovirus trong họ Picornaviridae. Virus có dạng hình cầu với đường kính 27 - 30 nm, vật chất di truyền là RNA và không có lớp bao lipid bên ngoài.

    Hình ảnh mình họa: Virus Enterovirus 71 

    Virus bền với điều kiện môi trường của vật chủ, như môi trường acid trong dạ dày người. Ngoài ra, chúng có thể sống ở nhiệt độ phòng trong vài ngày. Enterovirus không có lớp bao lipid bên ngoài nên không bị bất hoạt bởi các chất hòa tan lipid như cồn, ether, Chloroform, Phenol. Tuy nhiên, chúng dễ dàng bị bất hoạt bởi các chất tẩy rửa thường dùng như 2% Sodium hypochlorite (nước Javel), thuốc tím (KMnO4), oxy già (H2O2).

    BỆNH TAY CHÂN MIỆNG VÀ EV71

    Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người và có khả năng phát triển thành dịch bệnh. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, chủ yếu lây qua con đường tiêu hóa với nguồn lây chính là nước bọt, phỏng nước, phân của trẻ nhiễm virus.

    Có 2 tác nhân thường gây ra bệnh tay chân miệng là Coxsackie virus A16Enterovirus 71 (EV71). Biểu hiện chính của bệnh là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Thông thường, bệnh sẽ tự khỏi trong vòng 10 ngày do cơ thể sản xuất đủ kháng thể để chống lại virus. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân gây ra là bởi EV71 thì có khả năng bệnh sẽ diễn biến phức tạp và xảy ra các biến chứng lâm sàng nguy hiểm như viêm phổi, viêm cơ tim, hoặc viêm màng não và thậm chí có thể gây tử vong.

    Hình ảnh minh họa: Biểu hiện bệnh tay chân miệng

    Từ những thập niên 90 của thế kỷ trước, bệnh tay chân miệng đã phổ biến ở một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Hongkong, Đài Loan. Vào năm 2008, Đài Loan xảy ra dịch tay-chân-miệng bùng phát với 347 trường hợp diễn biến nặng và có tới 14 trường hợp tử vong3. Ở Trung Quốc vào năm 2009 đã ghi nhận hơn 1 triệu ca mắc tay  chân miệng trong đó trên 13.000 trường hợp nặng và hơn 300 ca tử vong6. Cùng thời gian đó, một nghiên cứu ở Quảng Đông chỉ ra rằng EV71 chiếm đa số ở các ca bệnh tay chân  miệng (tỉ lệ lên tới 56%)7. Ngoài ra, tại Singapore vào năm 2000 cũng ghi nhận dịch tay chân miệng với 3790 ca nhiễm và phần lớn là trẻ dưới 4 tuổi (78,8%), và với một nghiên cứu phân lập từ 104 bệnh nhân cho ra kết quả dương tính với virus EV71 là 73,1%1.

    Tại Việt Nam, theo số liệu từ WHO, bệnh tay chân miệng lưu hành hằng năm ở hầu hết các tỉnh thành với 2 đỉnh dịch từ tháng 3 cho đến tháng 5 và từ tháng 9 đến hết tháng 12. Mỗi năm, nước ta có khoảng từ 50.000 đến 100.000 trường hợp bệnh tay - chân - miệng và khu vực phía Nam chịu ảnh hưởng lớn nhất với tỷ lệ mắc bệnh trên 60%. Vào năm 2011, Việt Nam ghi nhận được sự gia tăng đột biến với hơn 11.000 trường hợp bệnh và có 169 trường hợp tử vong từ tất cả các tỉnh thành trên toàn quốc. Với 169 ca tử vong thì 87% là bệnh nhân dưới 3 tuổi và có tới 103 mẫu (61%) dương tính với Enterovirus trong đó EV71 chiếm đến 82% (84 mẫu trên 103)2. Cùng với thời gian đó, có một nghiên cứu tại bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố cơ sở 1 của bác sĩ Trương Hữu Khanh có nghiên cứu trên 3972 trẻ thì có 174 trẻ có biến chứng nặng. Trong 174 trẻ đó có đến 132 (76%) cho kết quả dương tính với EV714.

    Từ các số liệu ở các nước trong khu vực và ở nước ta thì có thể thấy được các bệnh nhân bệnh tay chân miệng có biến chứng nặng và tử vong hầu hết đều có kết quả dương tính với virus EV71.

    CÁC XÉT NGHIỆM ĐỂ PHÁT HIỆN EV71:

    Theo tài liệu được bộ Y Tế ban hành số: 1003/ QĐ-BYT “VỀ VIỆC BAN HÀNH HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ BỆNH TAY – CHÂN – MIỆNG” có đề cập 2 phương pháp được dùng để chẩn đoán xác định và chẩn đoán phân biệt virus là phương pháp phân lập virus và kỹ thuật RT- PCR

    Phương pháp phát hiện bằng kỹ thuật RT- qPCR (Reverse Transcription qPCR- PCR phiên mã ngược) là phương pháp cho phép trực tiếp phát hiện EV71 trong các mẫu. Phương pháp này sử dụng cùng một nguyên lý với phương pháp Real - time PCR. Tuy vậy, kỹ thuật RT- qPCR có thêm một bước trước khuếch đại gọi là bước phiên mã ngược bằng cách dùng enzyme Reverse Transcriptase chuyển các đoạn RNA có trong mẫu thành cDNA (Complementary DNA).

    Phương pháp RT-PCR thể hiện được nhiều ưu điểm vượt trội về thời gian và độ chính xác cao nên được ưu tiên sử dụng trong các xét nghiệm hiện nay. Tuy nhiên, vật liệu di truyền của EV71 là RNA, cần được chuyển thành cDNA để thực hiện phản ứng RT-PCR. Do đó, chẩn đoán EV71 tương đối mất thời gian và có khả năng xảy ra tình trạng nhiễm chéo trong quá trình thực hiện dẫn đến kết quả dương tính giả. Bộ Kit xét nghiệm Enterovirus 71- Type Real- TM (Sacace) được thiết kế tối ưu hóa để phát hiện EV71 trong một bước khuếch đại, giảm thời gian thao tác và nguy cơ nhiễm trong quá trình thực hiện.

    BỘ XÉT NGHIỆM ENTEROVIRUS 71-TYPE REAL-TM (EV71)

    Mục đích xét nghiệm

    Enterovirus 71-Type Real-TM (EV71) là bộ xét nghiệm phát hiện Enterovirus-71 tác nhân gây bệnh tay chân miệng bằng kỹ thuật Real-time PCR.

    Nguồn Mẫu

    Đa dạng nguồn mẫu: dịch não tủy, máu toàn phần, mẫu phết, mẫu mô, mẫu phân, mẫu nước.

    Thông Tin Sản Phẩm

    Hình ảnh : BỘ XÉT NGHIỆM ENTEROVIRUS 71-TYPE REAL-TM (EV71)

    ƯU ĐIỂM CHÍNH

    1. Độ nhạy cao: 10^3 copies/ml
    2. Đạt chứng nhận: CE-IVD, ISO 13485
    3. Thao tác đơn giản, phản ứng khuếch đại trong 1 bước giảm thời gian, hạn chế tình trạng nhiễm chéo
    4. Được xác nhận trên các thiết bị Real time PCR thông dụng (SaCycler-96™ (Sacace), CFX96™/iQ5™ (BioRad); Applied Biosystems® 7300/7500 Real Time PCR, v.v.)
    5. Việc phân tích kết quả đơn giản, chỉ dựa vào 2 kênh màu: kênh JOE(Yellow)/ HEX/ Cy3 cho EV71 cDNA, và kênh FAM cho IC DNA (DNA chứng nội)

    TỔNG KẾT

    Enterovirus 71 (EV71) được biết đến là nguyên nhân gây bệnh tay-chân-miệng phổ biến ở trẻ em với các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm màng não, thậm chí tử vong. Vì vậy, không thể chủ quan khi trẻ có những dấu hiệu ban đầu của bệnh. Cần thực hiện xét nghiệm EV71 để có những biện pháp điều trị, phòng ngừa biến chứng kịp thời, hiệu quả.

    Bộ xét nghiệm Enterovirus 71-Type Real-TM (EV71)  (Sacace - Ý) được Công ty TNHH Thiết Bị Khoa Học Kỹ Thuật Việt Huy phân phối, là đại diện độc quyền của hãng Sacace tại Việt Nam. Bộ kit hiện đang được sử dụng trong nhiều bệnh viện, phòng khám trên cả nước.

    Thông tin liên hệ:

    CÔNG TY TNHH THIẾT BỊ KHOA HỌC KỸ THUẬT VIỆT HUY

    Địa chỉ: 33 Nguyễn Quý Cảnh, Phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

    EMail: info@viethuy.vn

    Website: www.viethuy.vn

    Điện thoại: 028 6287 1596 / 99

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Kwai Peng Chan, và cộng sự. (2003). Epidemic Hand, Foot and Mouth disease caused by Human Enterovirus 71, Singapore. Emerging Infectious Diseases, Vol. 9, No.1, 78. DOI: 10.3201/eid0901.020112.

    2. Ngoc TB Nguyen, và cộng sự. (2011). Epidemiological and clinical characteristics of children who died from hand, foot and mouth disease in Vietnam. BMC Infectious Diseases, Vol14, 341. DOI: 10.1186/1471-2334-14-341.

    3. Min- Shi Lee, và cộng sự. (2010). An Investigation of Epidemic Enterovirus 71 Infection in Taiwan, 2008. The Pediatric Infectious Disease Journal, Volume 29. DOI: 10.1097/INF.0b013e3181e52945.

    4. T.H. Khanh, và cộng sự. (2012). A large epidemic of enterovirus 71 associated hand, foot and mouth disease in southern Vietnam. International Journal of Infectious Diseases 16S. DOI: 10.1016/j.ijid.2012.05.932.

    5. WHO. Bệnh tay chân miệng. https://www.who.int/vietnam/vi/health-topics/hand-foot-and-mouth-disease-(hfmd).

    6. WHO. (2011). A guide to clinical management and public health response for hand, foot and mouth disease (‎HFMD)‎.

    7. Wu Devà các cộng sự. (2011). A large outbreak of hand, foot, and mouth disease caused by EV71 and CAV16 in Guangdong, China, 2009. Arch Virol, Vol 156, 945. DOI: 10.1007/s00705-011-0929-8. 

    Hotline
    Hotline
    CÔNG TY TNHH THIẾT BỊ KHKT VIỆT HUY